NHỔ RĂNG
Nhổ răng là gì?
Nhổ răng là thủ thuật làm giãn nở xương ổ, đứt dây chằng nha chu và tách rời phần nướu để lấy thân răng và chân răng ra khỏi xương ổ răng một cách toàn vẹn.
Các trường hợp nào bạn cần nhổ răng?
- Răng sữa đến thời kỳ thay răng
- Răng có thân và chân bị phá hủy lớn
- Chân răng hay mảnh chân răng
- Răng bị nha chu lung lay nặng không còn giữ được
- Răng mọc lệch, kẹt, ngầm
- Răng gây biến chứng viêm tại chỗ.
- Răng dư gây mất đối xứng cung hàm.
- Răng bị viêm tủy, chết tủy, răng có tổn thương quanh chóp không thể điều trị tủy
- Răng cần nhổ trước một số điều trị đặc biệt.
- Răng khôn biến chứng đau nhức, nhét thức ăn gây khó chịu cho bệnh nhân
Nhổ răng có đau không?
Trước khi nhổ răng nha sĩ sẽ thực hiện phương pháp vô cảm bằng thuốc tê (Tê xịt hoặc tê bôi với trường hợp nhổ răng sữa lung lay, tê tiêm với trường hợp nhổ răng sữa còn cứng hoặc nhổ răng vĩnh viễn). Bệnh nhân chỉ có cảm giác hơi đau lúc gây tê đối với phương pháp tiêm, sau đó bệnh nhân sẽ mất cảm giác hoàn toàn ở vùng được gây tê.
Những lưu ý trước, trong và sau nhổ răng
Để thủ thuật nhổ răng được thực hiện tốt nhất và mang lại hiệu quả tối ưu nhất bệnh nhân cần lưu ý một số điều sau:
– Trước khi nhổ răng:
Vì thủ thuật nhổ răng cần phải gây tê nên bệnh nhân cần lưu ý:ăn no, không sử dụng bia rượu, không uống coffee, tầm soát các vấn đề về sức khỏe như huyết áp, tim mạch, tiểu đường, dị ứng thuốc, máu khó đông, thai sản, đang trong ngày hành kinh. Nếu có các vấn đề sức khỏe như trên cần báo với nha sĩ trước khi thực hiện thủ thuật.
– Trong khi nhổ răng:
Giữ tâm lý thoải mái, thực hiện theo các yêu cầu của nha sĩ. Nếu có cảm giác đau bệnh nhân thông báo với nha sĩ bằng cách đưa tay ra hiệu. Trong quá trình thực hiện thủ thuật đôi khi có tiếng lách tách là âm thanh bình thường.
– Sau khi nhổ răng:
1/ Cắn chặt gòn trong vòng 30 phút. Sau khi nhả gòn trong nước bọt thường có những tia máu màu hồng, là huyết tương từ vết thương rỉ ra, đó là hiện tượng bình thường, bệnh nhân cứ nuốt vào, tuyệt đối không khạc, nhổ nước bọt.
2/ Không đẩy lưỡi hay đưa các dụng cụ vào vết thương, không khạc nhổ liên tục. 3/ Không súc miệng với nước muối ít nhất 6 giờ sau nhổ răng.
4/ Ăn uống bình thường, khi hết thuốc tê nên dùng thức ăn lạnh Không hút thuốc, uống rượu sau khi nhổ ( nên ngưng ít nhất 48 giờ sau nhổ răng , các hóa chất trong thuốc lá và rượu có thể ảnh hưởng đến cục máu đông và có thể gây ra viêm ổ răng khô).
5/ Uống thuốc theo toa của bác sĩ. Tái khám ngay sau khi có dấu hiệu bất thường như chảy máu nhiều và sưng lớn.
Những biến chứng thường gặp sau khi nhổ răng và cách giải quyết
- Cảm giác tê cứng môi, má sau gây tê: thông thường thuốc tê tiêm sẽ có tác dụng kéo dài khoảng 2 giờ, sau khoảng thời gian này thuốc tê sẽ tan dần, cảm giác của môi má sẽ dần phục hồi trở lại.
- Đau, sưng, khó chịu vị trí nhổ răng: sau khi thuốc tê hết tác dụng bệnh nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng nêu trên, tùy vào ngưỡng chịu đau, cơ địa mỗi người…mà cường độ cơn đau sẽ khác nhau.Tình trạng này có thể kéo dài vài ngày đến một tuần với cường độ giảm dần. Bệnh nhân có thể sử dụng thuốc theo toa của bác sĩ để dễ chịu hơn.
- Chảy máu kéo dài, chảy máu ồ ạt sau nhổ răng: đây là tình trạng nghiêm trọng, cần quay lại phòng khám để được xử lý kịp thời. Tuy nhiên bệnh nhân cần phân biệt với rỉ huyết tương ở vết nhổ.
- Nếu bệnh nhân gặp bất cứ vấn đề gì hay cảm thấy lo lắng sau nhổ răng hãy liên hệ lại với phòng khám để được hỗ trợ.