TRÁM RĂNG
Trám răng là gì?
Trám răng là phương pháp điều trị dùng vật liệu chuyên dụng trong nha khoa để bù lại phần mô răng bị mất trong các trường hợp răng bị sâu, gãy, mẻ, mòn cổ. Từ đó giúp đưa răng về hình dáng sinh học ban đầu, thực hiện tốt chức năng ăn nhai và thẩm mỹ, khắc phục tình trạng ê buốt, ngăn ngừa sự hình thành và phát triển của sâu răng.
Trường hợp nào nên trám răng?
- Sâu răng, trám sealant phòng ngừa sâu răng
- Răng bị nứt vỡ, sứt mẻ trong quá trình ăn nhai hoặc do ngoại lực tác động (té ngã, tai nạn…)
- Đánh răng sai cách gây mòn cổ răng
- Trám kết thúc sau nội nha
- Trám lại miếng trám cũ sau quá trình sử dụng bị đổi màu hoặc lỏng lẻo
Chẩn đoán và tư vấn trám răng
- Trước khi trám răng, bạn sẽ được nha sĩ thăm khám để chẩn đoán tình trạng sâu răng từ đó tư vấn cho bạn chọn được phương pháp trám và loại vật liệu trám phù hợp nhất, giúp đem lại miếng trám bền vững, chịu lực tốt và thẩm mỹ.
- Các phương pháp nha sĩ thường sử dụng trong quá trình thăm khám và chẩn đoán: thăm dò lỗ sâu, gõ răng, xịt hơi vào vị trí cần trám, chụp x-quang…
Quy trình trám răng sâu
Sau khi thăm khám tổng quát, quy trình trám răng sâu sẽ được tiếp tục tiến hành thông qua các bước sau:
Bước 1: Vệ sinh răng miệng sạch sẽ
Bằng phương pháp súc miệng bằng nước pha dung dịch sát khuẩn (nước súc miệng, nước muối, povidine…)
Bước 2: Chuẩn bị xoang trám
Nha sĩ dùng tay khoan, mũi khoan nha khoa, dụng cụ phù hợp để lấy sạch mô răng nhiễm trùng, tạo xoang, tạo độ lưu cho xoang trám
Bước 3: Trám răng
Nha sĩ dựa vào quy trình riêng của từng loại vật liệu trám cụ thể mục đích đưa vật liệu vào xoang trám đã chuẩn bị, bù lại phần mô răng bị khiếm khuyết, điêu khắc lại hình dáng sinh học ban đầu của răng
Bước 4: Kiểm tra lại và hoàn tất quy trình trám răng
Kiểm tra về khớp cắn: chỉnh cộm nhằm mục đích khiến cho bệnh nhân ăn nhai được thoải mái
Kiểm tra về độ nhẵn bóng, láng mịn ở bề mặt miếng trám
Các loại chất liệu trám răng sâu
Miếng trám răng sâu được làm từ nhiều loại chất liệu khác nhau như:
-
Miếng amalgam: Chất liệu này có độ bền lên tới 10 – 15 năm, có khả năng chịu lực nhai tốt và ít bị mài mòn. Có thể xảy ra hiện tượng tương tác giữa nước bọt với kim loại làm xuất hiện dòng điện Galvanic, nên thỉnh thỉnh khiến bệnh nhân ê nhói. Thêm vào đó màu bạc của kim loại lại không tương thích với màu sắc của răng nên tính thẩm mỹ không cao. Vì một số vấn đề về môi trường nên loại vật liệu này hiện nay không còn được sử dụng nữa.
-
Composite: Đây là chất liệu được sử dụng phổ biến nhất trong trám răng sâu. Nó có nhiều tone màu, nhiều độ trong-sáng khác nhau, rất dễ dàng lựa chọn được màu sắc giống với màu răng thật của bệnh nhân nên đảm bảo được tính thẩm mỹ, nhất là khi điều trị cho vùng răng cửa. Ngoài ra, miếng trám composite cũng có khả năng liên kết tốt với răng, giúp nâng đỡ cấu trúc răng và có thể áp dụng linh hoạt để phục hồi các lỗ sâu răng lớn, sâu răng gây mẻ hay vỡ răng.
-
Glass ionomer: Chất liệu này có sự kết hợp giữa thủy tinh và acrylic . Nó thường được sử dụng để trám cho trẻ em hoặc trám răng tại các vị trí dưới nướu. Glass ionomer có khả năng chịu lực kém hơn, dễ bị ăn mòn, nứt vỡ.
-
Inlay hay Onlay: Miếng trám được làm từ chất liệu sứ cao cấp trong nha khoa thường được sử dụng trong trám răng thẩm mỹ. Nó có độ bền tốt, khó đổi màu nhưng chi phí cao và cần Bác sĩ có chuyên môn kỹ thuật cao mới thực hiện được.
-
Miếng trám tạm thời: Dạng miếng trám này thường được sử dụng cho các trường hợp được điều trị tủy nhiều lần trước khi trám răng, khi điều trị khẩn, chờ đợi giảm đau sau khi tủy bị kích thích hoặc việc trám răng sâu được thực hiện qua nhiều lần trong thời gian chờ đợi labo.
Trám răng sâu có đau không?
Trám răng sâu là một phương pháp an toàn và hầu hết bệnh nhân đều không cảm thấy đau. Bạn có thể cảm thấy khó chịu, ê buốt trong quá trình dùng dụng cụ mài răng lấy bỏ đi ngà sâu. Tuy nhiên, cảm giác này sẽ không kéo dài quá lâu.
Trường hợp có cảm giác đau thường rơi vào nhóm đối tượng có răng nhạy cảm. Tuy nhiên cảm giác khó chịu sẽ giảm dần và hết hoàn toàn theo thời gian
Một số vấn đề thường gặp trong trám răng:
- Cộm, vướng khi đóng hàm do miếng dán chưa được tạo hình tốt
- Dị ứng với chất liệu của miếng trám
- Miếng trám bị ăn mòn, gãy, vỡ
- Khả năng kết dính giữa miếng trám với men răng kém khiến cho thức ăn lọt vào khe hở và tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công tiếp tục gây sâu răng ở vị trí cũ.
Khi gặp một trong những vấn đề trên bạn cũng đừng quá lo lắng. Hãy quay lại nha khoa và trao đổi vấn đề gặp phải với nha sĩ để nha sĩ có phương pháp xử lý phù hợp.
Trám răng có gây hại cho sức khỏe không?
Phương pháp trám răng chỉ tác động đến khu vực răng bị sâu nên hoàn toàn không gây tổn thương cho khu vực khác và cũng không gây hại cho sức khỏe. Các vật liệu trám được sử dụng trong nha khoa đều qua quá trình nghiên cứu về độ tương hợp sinh học cho cơ thể con người nên rất an toàn.
Với các kỹ thuật trám răng nha khoa hiện đại, quy trình trám răng sâu ngày càng được rút ngắn, giúp nhanh chóng khôi phục lại hình dáng của răng thông qua những tác động nhẹ nhàng. Thời gian trám răng trung bình kéo dài khoảng 20 phút hoặc lâu hơn đối với các răng bị sâu răng, có độ phức tạp cao. Sau khi hoàn tất quy trình trám răng, bệnh nhân có thể ăn uống và nhai thức ăn bình thường mà không phải lo ngại bị đau,ê buốt hay rụng miếng trám.
Lưu ý sau khi trám răng sâu
Sau khi trám răng sâu, bạn nên chú ý một số vấn đề sau:
- Với loại vật liệu Glass ionomer để vật liệu trám có đủ thời gian đông đặc và kết dính hoàn toàn với men răng, bạn không nên ăn uống trong vòng 1 giờ đầu kể từ khi răng sâu được trám.
- Tránh nhai đồ cứng thường xuyên ở khu vực răng được điều trị khiến cho miếng trám dễ bị nứt vỡ, bong tróc ra ngoài.
- Tránh ăn đồ quá nóng hoặc quá lạnh
- Giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ để vi khuẩn không có cơ hội gây sâu răng ở các vị trí khác
- Không sử dụng tăm tác động đến khu vực trám răng sâu khiến miếng trám bị bung ra.