RĂNG SÂU VÀO TỦY CÓ NGUY HIỂM KHÔNG? ĐIỀU TRỊ THẾ NÀO?
Răng sâu vào tủy là tình trạng sâu răng tiến triển nặng, lan tới tủy răng gây viêm tủy. Nếu không được điều trị sớm sẽ gây nhiều biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe răng miệng.
Sâu răng trải qua rất nhiều giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên chỉ xuất hiện những đốm nhỏ màu trắng đục, sau chuyển hóa thành đen. Tuy nhiên, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ảnh hưởng đến tủy, mô răng bị gãy vỡ lớn. Lúc này gây đau nhức dữ dội, viêm nướu, áp xe răng, dễ gây hôi miệng.
Dấu hiệu nhận biết sâu răng vào tủy
Răng sâu vào tủy không phải tự nhiên xảy ra. Tất cả điều phải trải qua thời gian dài mà bạn khó phát hiện. Hoặc đã phát hiện nhưng chủ quan không đi thăm khám và điều trị.
⦁ Ở giai đoạn đầu: bạn thấy răng ê buốt lâu hơn khi ăn đồ nóng, lạnh, khi hít gió hoặc khi thay đổi về áp suất. Thỉnh thoảng bạn thấy răng đau nhức theo cơn thoáng qua. Bạn cố tránh nhai sang bên có răng ê buốt. Ở giai đoạn này, có thể bạn bỏ qua.
⦁ Ở giai đoạn tiếp theo: răng của bạn đau nhức nhiều hơn. Đau có thể âm ỉ cả một vùng, kéo dài cả ngày hoặc đau theo từng cơn dữ dội, lan lên nửa đầu. Đau nhiều về đêm. Dùng thuốc giảm đau không đỡ hoặc đỡ ít. Cơn đau dữ dội và lan cả một vùng nên bạn không xác định rõ được răng nào bị đau. Răng đau nhức nhiều khiến bạn mất ngủ, không ăn nhai được, ảnh hưởng rất lớn đến ăn uống, sinh hoạt và làm việc.
⦁ Ở giai đoạn sau: nếu răng viêm tủy không được điều trị, bạn không thấy răng đau nữa vì tủy răng đã chết. Miệng hôi do thức ăn giắt trong lỗ sâu. Viêm lợi xung quanh răng sâu và các răng xung quanh do bạn không nhai sang bên răng đã gây cho bạn đau. Sau một thời gian, răng của bạn có thể bị vỡ, gãy do sâu răng vẫn tiếp tục phát triển gây mất nhiều tổ chức cứng của răng. Bạn thấy có nốt trắng ở lợi, có ổ mủ hay mủ chảy ra ở vùng lợi ngang chân răng, răng lung lay, mặt sưng. Lúc này bạn có thể đau răng hoặc không.
Răng sâu vào tủy gây hậu quả như thế nào?
Bị sâu răng vào tủy là bệnh lý khá nghiêm trọng, có thể dẫn tới những hậu quả nguy hiểm. Bạn nên điều trị sớm để không dẫn đến những biến chứng dưới đây:
⦁ Tình trạng hôi miệng
Sâu răng tạo thành hốc cùng với việc răng bị vỡ, mẻ chính là nơi mắc thức ăn, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Ngoài ra, phần lợi dễ sưng, dễ bị chảy máu do bị chà sát khi ăn nhai gây viêm. Đây cũng là nguyên nhân gây tình trạng hôi miệng.
⦁ Dễ bị vỡ thân răng
Sâu lan rộng làm cho răng không còn khỏe mạnh để đảm nhận chức năng ăn nhai, yếu ớt và dễ vỡ. Một khi thân răng vỡ sẽ ảnh hưởng đến phần chân răng, chóp ( cuống) răng.
⦁ Mất răng hoặc ảnh hưởng răng kế cận
Răng sâu vào tủy dần làm răng chết tủy, phá hủy toàn bộ phần thân răng, chân răng và có thể gây mất răng vĩnh viễn, Ngoài ra, chúng còn khiến răng kế cận bị sâu, viêm nhiễm.
⦁ Ảnh hường đến sức khỏe, công việc
Viêm tủy răng dẫn đến làm viêm lợi chân răng, áp xe chóp răng làm cho bạn cảm thấy đau nhức, thậm chí sưng mặt. Điều này ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng, sức khỏe toàn thân và công việc.
⦁ Để lại di chứng nặng nề
Răng sâu vào tủy nếu bị nhiễm trùng chóp răng có thể hình thành nang chân răng. Với nang to trong xương hàm sẽ phá hủy tổ chức xương nhiều, việc chữa trị cực kì phức tạp và để lại nhiều di chứng nặng nề. Nguy hiểm hơn là không thể hồi phục lại chức năng ăn nhai cũng như thẩm mỹ.
Điều trị tủy răng như thế nào?
Khi răng được chẩn đoán là sâu vào tủy tùy vào tình trạng hiện tại của răng và những biến chứng do răng gây ra, các Bác Sĩ sẽ có những kế hoạch điều trị khác nhau:
⦁ Chữa tủy răng: là cách điều trị phổ biến.
Các bước điều trị viêm tủy
Bác Sĩ sẽ gây tê để bạn không đau khi tiến hành mở buồng tủy, lấy sạch tủy nhiễm khuẩn ở buồng tủy và các ống tủy. Các ống tủy được làm sạch bằng cách bơm rửa và tạo hình để thuận lợi cho việc bơm rửa sạch và trám bít ống tủy. Các ống tủy sau khi được làm sạch và tạo hình sẽ được lấp đầy bởi các vật liệu trám bít ống tủy. Phần thân răng ở trên được hàn tạo hình lại. Bước cuối cùng là một chụp răng được làm để bảo vệ răng và phục hồi lại chức năng ăn nhai và thẩm mỹ cho răng.
⦁ Chữa tủy lại: một vài trường hợp, sau khi chữa tủy, tình trạng nhiễm trùng chóp răng vẫn xảy ra hoặc không hết, khi đó Bác Sĩ sẽ phải chữa tủy lại. Thủ thuật chữa tủy lại cũng như chữa tủy, nhưng chỉ hơi khác là Bác Sĩ sẽ phải lấy hết chất trám bít trong ống tủy trước khi các ống tủy được làm sạch lại và chất trám bít được đặt lại vào các ống tủy.
⦁ Cắt cuống (chóp) răng:
Gây tê được tiến hành trước khi làm thủ thuật để bạn không cảm thấy đau. Bác Sĩ sẽ rạch lợi, bỏ xương để lộ phần chóp răng nhiễm trùng. Ổ viêm nhiễm và phần chân răng nằm trong ổ viêm sẽ được loại bỏ hoàn toàn. Ống tủy ở phần chân răng còn lại được hàn kín bằng vật liệu trám bít. Tùy trường hợp, lỗ hổng ở phần xương sẽ được lấp đầy bằng xương nhân tạo. Cuối cùng, niêm mạc bị rạch được khâu kín lại.
Bạn sẽ được Bác Sĩ dặn dò về cách chăm sóc và theo dõi sau khi làm thủ thuật.
⦁ Nhổ răng:
Tất nhiên, Bác Sĩ phải gây tê để đảm bảo bạn hoàn toàn không đau và cảm thấy dễ chịu khi nhổ răng. Răng được lấy ra bằng các dụng cụ thích hợp. Ổ nhiễm trùng ở vùng chóp răng cũng được lấy đi. Trước khi bạn ra về, chỗ răng vừa nhổ sẽ phải đảm bảo chắc chắn là không chảy máu. Bạn sẽ được Bác Sĩ kê đơn thuốc và dặn dò cách chăm sóc sau khi nhổ răng. Việc làm răng giả để bù vào chỗ răng vừa nhổ cũng sẽ được Bác Sĩ thảo luận với bạn.
Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề, Nha Khoa Anh Vũ là địa chỉ đảm bảo chất lượng với đội ngũ Bác Sĩ sở hữu kiến thức, trình độ chuyên môn cao. Bên cạnh đó là Nha Khoa có trang thiết bị, công nghệ hiện đại đảm bảo sẽ hài lòng tất cả các khách hàng.